Vì sao Lạm phát Tăng cao? Chia sẻ từ Chuyên gia FBS
Bạn có thể nhận thấy rằng giá của các sản phẩm yêu thích gần đây đã tăng lên khá nhiều. Lý do bởi tỷ lệ lạm phát cực kỳ cao đã ảnh hưởng đến nền kinh tế của các quốc gia trên toàn thế giới.
Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu về khái niệm lạm phát, vì sao lạm phát xảy ra, những hậu quả đối với người tiêu dùng phổ thông và nguyên nhân gây ra lạm phát vào năm 2022.
Những Điểm Chính
- Lạm phát phản ánh việc tăng giá hàng hóa, khiến người dân mua ít hơn.
- Lạm phát có thể xuất hiện do nhu cầu cao đối với một số sản phẩm, tăng giá nguyên vật liệu, mất giá tiền tệ, chính sách của nhà nước và các trường hợp khác.
- Lạm phát thấp có thể giúp nền kinh tế tăng trưởng trong khi lạm phát cao sẽ làm giảm sức mua của người tiêu dùng và dẫn đến suy thoái kinh tế.
- Lạm phát toàn cầu năm 2022 xảy ra do hậu quả của đại dịch COVID-19 và cuộc khủng hoảng địa chính trị ở Ukraine.
Lạm phát Là gì?
Lạm phát là một thuật ngữ kinh tế được sử dụng để mô tả sự gia tăng giá hàng hóa và dịch vụ, điều này làm giảm sức mua theo thời gian. Lạm phát là một chỉ số quan trọng vì nó cho thấy nền kinh tế của một quốc gia đã thay đổi như thế nào trong một khoảng thời gian nhất định và liệu sự thay đổi đó có ảnh hưởng đến phúc lợi tài chính của người dân trong nước hay không.
Thông thường, lạm phát được biểu thị bằng phần trăm tốc độ giá tăng trong vòng một năm. Nói chung, lạm phát được tính toán bởi một cơ quan chính phủ chuyên thu thập dữ liệu về giá hiện tại của một rổ hàng hóa và dịch vụ nhất định. Rổ hàng hóa này thường bao gồm các mặt hàng như thực phẩm, gas, quần áo, thuốc men, năng lượng, thanh toán thế chấp, v.v., nhưng nội dung có thể thay đổi tùy thuộc vào biến động giá của một sản phẩm nhất định. Tổ chức này sẽ thu thập thông tin giá cả mỗi tháng và sau đó chia chi phí trung bình của giỏ hàng hóa cho giá trị của tháng trước.
Số liệu thống kê của năm nay cho thấy vào tháng 10/2022, 100$ có thể mua được cùng một rổ hàng hóa với giá 92.81$ vào tháng 10/2021, đây cũng là dấu hiệu cho thấy lạm phát đã tăng đáng kể từ năm ngoái.
Nguyên nhân Chính của Lạm phát
Có một số nguyên nhân chính ảnh hưởng đến tỷ lệ lạm phát.
- Nhu cầu cao, nguồn cung thấp. Khi nhu cầu của người dân đối với một số hàng hóa và dịch vụ tăng quá mức, nền kinh tế có thể sẽ không đảm bảo nguồn cung. Điều này tạo nên áp lực tăng giá, gây ra lạm phát. Một ví dụ cho trường hợp này đó là tình trạng thiếu sữa bột trẻ em ở Mỹ vào năm 2022 khi giá cả tăng chung và các vấn đề về chuỗi cung ứng khiến giá của sản phẩm thiết yếu này tăng chóng mặt.
- Chi phí cao, giá cao. Khi chi phí nguyên vật liệu thiết yếu để sản xuất hàng hóa tăng cao, thì giá của những mặt hàng này cũng tăng theo. Ví dụ, giá gỗ xẻ tăng 400% khiến giá nhà cũng tăng theo, dẫn đến cuộc khủng hoảng nhà ở hiện nay đang thống trị thị trường bất động sản Hoa Kỳ.
- Tiền tệ mất giá. Khi một quốc gia bị mất giá tiền tệ, tỷ giá hối đoái của tài sản sẽ giảm, dẫn đến giá trị của loại tiền tệ này hạ thấp hơn. Đây là tin tốt cho các quốc gia khác vì hoạt động mua hàng xuất khẩu từ quốc gia này sẽ ít tốn kém hơn. Nhưng người dân không còn đủ khả năng mua hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài, điều này khuyến khích người dân mua sản phẩm trong nước.
- Tăng cung tiền. Khi nói về cung tiền, chúng ta muốn nói đến tổng lượng tiền đang lưu hành trong nước, bao gồm tiền mặt, số dư và tài khoản ngân hàng. Nếu cung tiền tăng lên, điều này có thể dẫn đến tình trạng thiếu hàng hóa vì nhu cầu có thể lấn áp nguồn cung hàng hóa.
- Tăng lương. Khi tiền lương tăng, chi phí nhân công cũng tăng theo, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phải điều chỉnh giá bán sản phẩm để bảo toàn doanh thu. Bên cạnh đó, tiền lương tăng đồng nghĩa với sức mua của người dân cũng tăng theo, khiến nhu cầu đối với một số mặt hàng tăng vọt và giá cả tăng theo do thiếu nguồn cung.
- Chính sách nhà nước. Trong một số trường hợp, nhà nước có thể thông qua các chính sách và quy định mới, khiến giá sản phẩm tăng lên. Những chính sách này có thể bao gồm trợ cấp thuế và lãi suất thấp, khiến người tiêu dùng mua nhiều hàng hóa hơn và đẩy giá lên cao.
Lạm phát: Lợi ích và Hạn chế
Lạm phát không phải lúc nào cũng xấu. Tỷ lệ lạm phát thấp (~2%) thực sự là một tín hiệu rất tốt vì nó khuyến khích người dân mua nhiều hơn. Một số lợi ích của lạm phát:
- Tăng trưởng kinh tế. Lạm phát luôn xảy ra khi nền kinh tế của một quốc gia đang trên đà phát triển. Việc tăng giá và tiền lương giúp các doanh nghiệp kiếm được nhiều tiền hơn, thúc đẩy nền kinh tế phát triển và kéo dài thời kỳ thịnh vượng kinh tế.
- Điều chỉnh tiền lương. Khi giá cả hàng hóa tăng cao, nhân viên bắt đầu mong đợi được tăng lương để đảm bảo chi trả các khoản phí. Lúc này, doanh nghiệp phải điều chỉnh tiền lương của nhân viên để đảm bảo nhân sự không bỏ việc và tìm kiếm mức lương cao hơn. Điều này cũng giúp nhà tuyển dụng khuyến khích nhân viên làm việc hiệu quả, tạo ra một môi trường năng suất cao tại nơi làm việc.
- Điều chỉnh giá. Khi người dân có thêm thu nhập khả dụng, họ có xu hướng mua nhiều hơn. Điều này mang lại cho các doanh nghiệp cơ hội điều chỉnh giá hàng hóa để chống lại nhu cầu gia tăng và cho phép họ tạo ra những sản phẩm chất lượng cao hơn cho người tiêu dùng.
- Giảm giá trị thực của khoản nợ. Khi giá cả và tiền lương tăng lên, khoản nợ mà mọi người mắc phải sẽ giảm giá trị. Các chính phủ cũng thường khuyến khích giảm lãi suất, giúp người dân có thể giải quyết nợ nần.
- Tốt hơn so với giảm phát. Giảm phát (Deflation) xảy ra khi giá trị của tiền tệ sụt giảm. Điều này dẫn đến việc giảm giá sản phẩm vì người tiêu dùng có thể không đủ khả năng mua hàng hóa. Cuối cùng, việc sản xuất hàng hóa có thể không còn mang lại lợi nhuận, dẫn đến đình trệ kinh tế.
Tuy nhiên, khi lạm phát tăng cao như hiện nay, điều này sẽ tạo ra rất nhiều vấn đề.
- Khi tiền lương không được điều chỉnh theo mức tăng giá, mọi người phải sử dụng thu nhập khả dụng và tiền tiết kiệm để mua các sản phẩm thiết yếu. Điều này làm giảm khả năng tiết kiệm và đầu tư tiền của người dân, làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế của một quốc gia.
- Lạm phát cao hơn làm cho giá hàng hóa tăng lên. Điều này làm cho các sản phẩm của quốc gia không còn tính cạnh tranh trên thị trường toàn cầu, dẫn đến giảm tỷ lệ xuất khẩu trong khi người dân trong nước đang phải vật lộn để có thể mua cùng một loại hàng hóa.
- Lạm phát có thể làm giảm giá trị trái phiếu chính phủ, khiến các nhà đầu tư yêu cầu bồi thường nhiều hơn. Cách duy nhất để đền bù đó là tăng lãi suất nợ của người dân, cắt giảm sức mua.
- Lạm phát cao làm giảm thu nhập thực tế của các hộ gia đình, điều này làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng thu nhập và tạo ra khoảng cách lớn hơn giữa tầng lớp thu nhập cao với nhóm thu nhập thấp.
- Chúng ta khó có thể chống lại lạm phát và các biện pháp mà chính phủ quyết định thực hiện có thể dẫn đến tình trạng thất nghiệp trong ngắn hạn và thậm chí là suy thoái kinh tế.
Vì sao Lạm phát Tăng cao ở Thời điểm Hiện tại?
Úc |
7.3% (cao nhất kể từ năm 1990) |
Pháp |
5.8% (cao nhất kể từ năm 1985) |
Đức |
7.9% (cao nhất kể từ năm 1990) |
Ý |
8% (cao nhất kể từ năm 1986) |
Anh |
9.4% (cao nhất kể từ năm 1982) |
Mỹ |
9.1% (cao nhất kể từ năm 1981) |
Dữ liệu từ khắp nơi trên thế giới cho thấy lạm phát năm nay đã đạt mức cao kỷ lục mới lần đầu tiên kể từ những năm 1980. Như bạn có thể thấy từ bảng dữ liệu, tình trạng này trải rộng ở nhiều quốc gia trên toàn thế giới. Có nhiều lý do dẫn đến lạm phát tăng cao.
COVID-19
Đại dịch đã gây ra sự hỗn loạn vào năm 2020 và năm 2021, và giờ đây thế giới đang cố gắng giải quyết những hậu quả kinh tế để lại. Nhu cầu biến động, nhà máy ngừng hoạt động, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, cung tiền tăng do tiết kiệm tích lũy của người dân hiện đang khiến giá các mặt hàng thiết yếu và không thiết yếu tăng chóng mặt. Các ngành công nghiệp đang thiếu nguyên liệu trầm trọng, khiến việc sản xuất hàng hóa bị đình trệ.
Tăng trưởng hoạt động kinh tế
Sau COVID-19, khu vực kinh tế đã bắt đầu phát triển mạnh trở lại. Các hạn chế được nới lỏng nên các doanh nghiệp đã bắt đầu hoạt động trở lại, điều này thúc đẩy nhu cầu và giá nguyên vật liệu tăng cao hơn.
Chiến tranh Nga-Ukraine
Cuộc xung đột đang diễn ra đã làm rung chuyển toàn thế giới, gây ra các vấn đề trong nền kinh tế của phần lớn các quốc gia. Nguyên nhân đến từ việc Nga là một trong những nước xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt lớn nhất thế giới, đồng thời lệnh trừng phạt hiện nay của châu Âu và Mỹ đã khiến nguồn cung tài nguyên thiên nhiên toàn cầu cạn kiệt nghiêm trọng. Hơn nữa, cả hai nước này đều nằm trong số các nhà xuất khẩu ngũ cốc lớn nhất thế giới. Chiến tranh đang gây ra sự gián đoạn trong việc cung cấp thực phẩm và tăng giá bất chấp các nỗ lực để giảm thiểu tình hình.
Kết luận
Mặc dù lạm phát có thể có tác động tích cực đến nền kinh tế, nhưng lạm phát cao hiện nay là một hiện tượng rất đáng lo ngại do nó được tạo ra bởi nhiều yếu tố nằm ngoài tầm kiểm soát của chính phủ. Để ổn định nền kinh tế, các ngân hàng trung ương có thể cố gắng tăng lãi suất cơ bản. Về mặt lý thuyết, điều này có thể khiến người dân và các công ty vay mượn cũng như chi tiêu ít hơn, từ từ hạ giá hàng hóa xuống. Nhưng nếu không có giải pháp cho cuộc khủng hoảng tài nguyên thiên nhiên, nền kinh tế toàn cầu có thể rơi vào một cuộc suy thoái khác.
FAQ
Tình trạng lạm phát hiện tại?
Năm 2022, lạm phát đã đạt mức kỷ lục mới kể từ những năm 1980. Tại Mỹ, tỷ lệ lạm phát hiện tại là 9.1%, mức cao nhất kể từ năm 1981.
Vì sao lại xảy ra lạm phát?
Những lý do khiến lạm phát đang diễn ra như hiện nay đến từ các vấn đề về sản xuất và cung ứng hàng hóa sau đại dịch COVID-19, nhu cầu cao đối với các sản phẩm sau đại dịch và cuộc chiến đang diễn ra giữa Nga và Ukraine.
Điều gì gây ra lạm phát?
Lạm phát xảy ra khi giá hàng hóa và dịch vụ tăng lên, khiến người tiêu dùng khó mua nhiều hàng hóa như trước đây. Hiện nay, lạm phát đang xảy ra do sản xuất hàng hóa bị đình trệ và tình trạng thiếu hụt tài nguyên thiên nhiên trên thị trường toàn cầu.