Cách Giao Dịch Mô Hình Megaphone?
Mô hình megaphone là gì?
Mô hình megaphone hay còn gọi là mô hình Đỉnh/Đáy mở rộng là một mô hình biểu đồ xảy ra khi biến động giá trở nên không ổn định. Mô hình này bao gồm ít nhất hai đỉnh cao hơn và hai đáy thấp hơn được hình thành từ năm dao động khác nhau. Mỗi dao động sẽ mạnh hơn so với lần trước và các mức đỉnh cao hơn và mức đáy thấp hơn có thể được kết nối bằng hai đường xu hướng phân kỳ giống với hình dạng của một cái loa và điều này cũng lý giải cho tên gọi của mô hình.
Bạn thường có thể bắt gặp mô hình này ở đầu hoặc cuối thị trường. Điều đó cho thấy rằng các nhà giao dịch không tự tin về hướng thị trường và cố gắng tham gia hoặc thoát khỏi các giao dịch ngay khi có cơ hội sớm nhất, khiến hình thành các dao động mạnh hơn.
Trong bài viết này, bạn sẽ được tìm hiểu về các cách xác định mô hình megaphone, đánh giá mô hình tăng hay giảm, các đặc điểm chính của mô hình này và cách giao dịch mô hình megaphone trên biểu đồ.
Những Điểm Chính:
- Mô hình Megaphone xảy ra trên các thị trường biến động khi phe mua và phe bán đang chiến đấu để kiểm soát thị trường.
- Một mô hình Megaphone bao gồm năm dao động tạo thành ít nhất hai mức đỉnh cao hơn và hai mức đáy thấp hơn. Nếu các đường xu hướng được vẽ qua các đỉnh cao hơn và đáy thấp hơn phân kỳ, thì mô hình được xác định là Megaphone.
- Các mô hình Megaphone có thể tăng hoặc giảm, nhưng chúng ta không thể biết chắc đó là mô hình gì cho đến khi giá đóng cửa bên ngoài mô hình và xác nhận sự bắt đầu của một xu hướng mới hoặc sự tiếp diễn của xu hướng trước đó.
- Các nhà giao dịch có thể sử dụng các mô hình Megaphone trong các chiến lược giao dịch khác nhau, tùy thuộc vào phong cách giao dịch ưa thích và đánh giá xem liệu mô hình đó có tiềm năng hay không.
Cách xác định mô hình megaphone?
Như đã đề cập, một mô hình megaphone bao gồm năm dao động tạo thành các mức đỉnh cao hơn và đáy thấp hơn. Nếu bạn thấy một mức giá dao động tương tự trong phạm vi ngày càng mở rộng, bạn có thể kiểm tra xem đó có thực sự là một mô hình megaphone hay không bằng cách vẽ hai đường xu hướng: một đường đi qua các đỉnh cao hơn và một đường đi qua các đáy thấp hơn. Nếu các đường xu hướng phân kỳ, thì bạn có thể xác nhận mô hình megaphone.
Một nội dung khác bạn cần tìm hiểu đó là xác định xem khi nào và tại sao một mô hình megaphone có thể xuất hiện trên biểu đồ. Mô hình megaphone xảy ra khi thị trường đang trải qua giai đoạn biến động. Nó không chỉ ra một xu hướng giá cụ thể. Thay vào đó, mô hình cho chúng ta biết rằng các nhà giao dịch dường như không thể đồng thuận về hướng đi của giá tài sản. Họ để cảm xúc lấn át và bắt đầu mua khi giá có vẻ hạ thấp và bán khi giá có vẻ tăng cao. Những dao động này ngăn cản giá đi theo một xu hướng cụ thể, gây ra nhiều sự do dự hơn giữa các nhà giao dịch.
Đương nhiên, những giai đoạn biến động như vậy cũng sẽ phải kết thúc, vì vậy, chúng ta có những chiến lược hiệu quả cho phép các nhà giao dịch kinh nghiệm sử dụng mô hình megaphone để tạo lợi thế riêng. Điều quan trọng nhất là giữ bình tĩnh và không để sự hoảng loạn chi phối quyết định của mình.
Mô hình megaphone tăng hay giảm?
Mô hình megaphone có thể là xu hướng tăng hoặc xu hướng giảm, tùy thuộc vào vị trí hình thành trên biểu đồ. Đó là lý do tại sao các mô hình megaphone thường được chia thành đỉnh loa (megaphone top) và đáy loa (megaphone bottom).
- Đỉnh loa (megaphone top) là một mô hình megaphone giảm cho thấy khả năng đảo chiều từ xu hướng tăng sang xu hướng giảm hoặc sự tiếp tục của xu hướng giảm. Nói chung, đỉnh loa bao gồm ba mức đỉnh cao hơn và hai mức đáy thấp hơn. Mô hình xác lập khi giá phá vỡ đường xu hướng được vẽ qua các đáy của mô hình. Nếu điều này xảy ra, khả năng rất cao là thị trường sẽ bắt đầu chuyển động theo một xu hướng giảm mới.
- Đáy loa (megaphone bottom) được đánh giá là ít phổ biến hơn so với mô hình giảm. Trái ngược với đỉnh loa, đáy loa là mô hình megaphone tăng xảy ra trước khả năng đảo chiều từ xu hướng giảm sang xu hướng tăng hoặc cho thấy sự tiếp tục của xu hướng tăng. Mô hình này thường bao gồm ba mức đáy thấp hơn và hai mức đỉnh cao hơn. Sau mức đáy thứ ba, giá thường di chuyển theo xu hướng tăng và phá vỡ đường xu hướng được vẽ qua mức đỉnh, báo hiệu sự hoàn thành của mô hình và bắt đầu một xu hướng tăng mới.
Tuy nhiên, không thể nói liệu các mô hình megaphone này có đi trước sự đảo chiều hay tiếp tục của một xu hướng. Để tìm ra chuyển động của xu hướng trong tương lai một cách chắc chắn, tốt hơn hết bạn nên đợi cho đến khi giá vượt qua đường hỗ trợ hoặc kháng cự và mô hình được xác nhận. Chỉ sau đó bạn mới an toàn để tham gia giao dịch.
Mô hình mở rộng là gì?
Mô hình mở rộng hay broadening formation là một tên gọi khác cho mô hình megaphone. Các mô hình mở rộng có thể là xu hướng tăng (đáy mở rộng) hoặc xu hướng giảm (đỉnh mở rộng) và chúng thường cho thấy khả năng xuất hiện đảo chiều xu hướng.
Nhưng nếu chúng ta nhìn vào bức tranh lớn hơn, thì các mô hình mở rộng nổi tiếng nhất là các chỉ số biến động. Chúng bắt đầu hình thành khi thị trường trải qua giai đoạn rủi ro cao hơn. Điều này xảy ra do các nhà giao dịch không chắc chắn về vị trí giá có thể di chuyển tiếp theo và do đó, nó dao động giữa tăng và giảm.
Mô hình mở rộng cũng xảy ra nhiều hơn trong mùa báo cáo thu nhập khi các công ty bắt đầu công bố dữ liệu hàng quý của họ. Tùy thuộc vào việc một công ty có làm ăn hiệu quả hay không, các nhà giao dịch sẽ có những phản ứng lạc quan hoặc bi quan khác nhau, điều này ảnh hưởng đến biến động giá và có thể dẫn đến việc hình thành mô hình megaphone.
Đặc điểm của mô hình giao dịch megaphone
Bây giờ chúng ta đã hiểu về khái niệm mô hình megaphone, tiếp theo, hãy cùng nghiên cứu chi tiết hơn các thông số chính của mô hình.
Khối lượng
Thông số đầu tiên của mô hình megaphone mà bạn nên chú ý là khối lượng (volume). Như bạn có thể biết, khối lượng là một chỉ báo kỹ thuật biểu thị tổng số lượng tài sản được giao dịch trong một khoảng thời gian nhất định. Khối lượng cho thấy có bao nhiêu nhà giao dịch đang hoạt động trên thị trường và liệu tài sản đề cập hiện có nhu cầu cao trên thị trường hay không. Khối lượng cũng được các nhà giao dịch sử dụng để xác nhận việc tiếp tục hoặc đảo chiều xu hướng. Theo đó, khối lượng có thể cung cấp cho bạn khá nhiều thông tin về tình hình hiện tại trên thị trường.
Khi nói đến khối lượng, chỉ báo này giúp các nhà giao dịch nhận ra mô hình megaphone trên biểu đồ. Các nhà giao dịch có thể thấy rằng khối lượng tăng đột biến cùng với giá trong mô hình megaphone. Bạn cũng có thể nhận thấy rằng khối lượng giao dịch thường tăng và duy trì ở mức cao khi mô hình được hình thành. Tuy nhiên, khối lượng không cho thấy khả năng đảo chiều hoặc tiếp tục của xu hướng trước đó vì chỉ báo này không có động thái bất thường khi một trong các diễn biến này xảy ra.
Hành vi cơ bản
Điều tiếp theo chúng ta sẽ xem xét là hành vi cơ bản. Như chúng ta đã biết, mô hình megaphone xảy ra khi các nhà giao dịch cố gắng giành quyền kiểm soát tài sản. Những nhà đầu cơ giá tăng tiếp tục mua và đẩy giá của tài sản lên cao hơn trong khi những người đầu cơ giá giảm thì ngược lại, cố gắng chống lại sự phát triển này và bán tài sản khi giá đang cao, khiến giá trị tài sản ngày càng giảm thấp hơn. Biến động giá tiếp tục hình thành các đỉnh và đáy mới, và nếu bạn vẽ hai đường xu hướng đi qua các điểm này, bạn sẽ nhận được các đường phân kỳ theo hướng khác nhau. Như một quy luật, sự bất ổn và căng thẳng gia tăng này thường kết thúc bằng việc một bên từ chối hành động tiếp theo và bên kia chiếm ưu thế trên thị trường. Mô hình kết thúc với giá di chuyển theo xu hướng của bên giành chiến thắng, tiếp tục hoặc đảo chiều xu hướng trước đó.
Cách giao dịch các mô hình megaphone
Mặc cho bản chất không xác định của mô hình, megaphone mang lại nhiều cơ hội giao dịch. Nhà giao dịch megaphone có thể kết hợp vào nhiều chiến lược, tùy thuộc vào phong cách giao dịch của trader.
Giao dịch phá vỡ
Cách đầu tiên để giao dịch mô hình megaphone là giao dịch theo điểm phá vỡ. Phá vỡ xảy ra khi giá phá vỡ một trong các đường xu hướng và đóng cửa bên ngoài mô hình. Phá vỡ có thể là tăng hoặc giảm và các nhà giao dịch coi đây là sự xác nhận của một mô hình và chuyển động của xu hướng tiếp theo.
Giao dịch phá vỡ có nghĩa là đợi cho đến khi giá đóng cửa bên ngoài mô hình, xác nhận việc hoàn thành mô hình megaphone và tham gia giao dịch khi hướng di chuyển của giá đã rõ ràng. Lưu ý rằng tốt hơn hết, bạn nên đợi một chút để xem liệu phá vỡ có thất bại hay không trước khi đưa ra quyết định.
Khi nói đến mục tiêu tối thiểu, chiến lược phổ biến là đo khoảng cách giữa đỉnh cao nhất và đáy thấp nhất của mô hình, vẽ một đường có cùng khoảng cách từ điểm phá vỡ theo chuyển động của xu hướng mới, sau đó đặt mục tiêu tối thiểu ở mức 60% chiều dài của dòng kết quả.
Đối với Dừng Lỗ, quy tắc chung là vẽ một đường thẳng qua Điểm Pivot Đỉnh thứ hai (đối với xu hướng tăng) hoặc Điểm Pivot Đáy (đối với xu hướng giảm) và đặt lệnh dừng lỗ tại mức này.
Giao dịch swing
Vì các mô hình megaphone bao gồm nhiều dao động, nên đây là một mô hình tốt để thực hiện các giao dịch swing. Các nhà giao dịch swing tận dụng thị trường biến động, khai thác sự do dự của phần đa các nhà giao dịch để tạo lợi thế cho họ. Trong trường hợp mô hình megaphone, các nhà giao dịch swing có thể trải nghiệm và giao dịch trong mô hình này, mua khi giá chạm mức đáy mới thấp hơn và bán khi giá chạm mức đỉnh mới cao hơn. Để làm điều này, họ nên chờ xác nhận việc giá chưa phá vỡ đường xu hướng.
Bạn cũng có thể giao dịch swing bên trong mô hình. Tất cả những gì bạn cần làm là sử dụng các đường nằm ngang được tạo bởi các đỉnh và đáy của mô hình cũng như đường pivot. Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng các mức Fibonacci thoái lui để tìm kiếm đường hỗ trợ và kháng cự tiềm năng để giao dịch ngay trong mô hình megaphone.
Thất bại
Giống như bất kỳ mô hình nào khác, megaphone có thể thất bại trong việc xác định phá vỡ. Mặc dù vậy, bạn vẫn có thể giao dịch mô hình, điều quan trọng là phải xác định thất bại một cách chính xác. Điều này thực sự khá dễ dàng vì một mô hình megaphone được coi là thất bại nếu giá không phá vỡ một trong các đường xu hướng sau lần dao động thứ năm. Vì vậy, nếu bạn nhìn thấy mô hình này trong một thị trường tăng và nhận thấy rằng giá bật ra khỏi đường xu hướng sau lần dao động thứ năm, bạn nên xem xét việc bán tài sản khi giá giảm xuống dưới mức hỗ trợ gần nhất.
Trong trường hợp này, bạn có thể sử dụng các mức được hình thành bởi Điểm Pivot 4 làm mục tiêu giao dịch đầu tiên của mình và đặt mục tiêu tiềm năng thứ hai ở đường xu hướng phía dưới của mô hình. Đối với lệnh dừng lỗ, bạn có thể đặt một lệnh ở mức mà giá không thể thoát ra khỏi mô hình sau lần swing thứ năm. Bạn cũng có thể áp dụng tỷ lệ rủi ro/lợi nhuận theo chiến lược giao dịch của riêng mình.
Lời kết
Trong bài viết này, chúng ta đã tìm hiểu về mô hình biểu đồ megaphone. Mô hình biểu đồ megaphone xảy ra khi thị trường đang trải qua giai đoạn biến động và các nhà giao dịch không thể quyết định giá thực tế của tài sản được đề cập.
Các mô hình megaphone có thể tăng và giảm, nhưng thật khó để dự đoán hướng biến động của giá và tìm các điểm vào cũng như thoát lệnh tối ưu nếu không sử dụng các chỉ báo bổ sung và công cụ phân tích kỹ thuật.