Cách thức bán khống. Ưu và nhược điểm của bán khống
Bán khống là gì?
Nói một cách đơn giản, bán khống (short selling) là hoạt động nhà đầu tư đi vay chứng khoán và bán tài sản với hy vọng mua lại với mức giá thấp hơn trong tương lai, nhờ đó kiếm được lợi nhuận. Đây là giải thích ngắn gọn về khái niệm bán khống.
Tuy nhiên, chúng ta không nên đánh giá quá đơn giản về chiến lược đầu tư này, vì bán khống không chỉ mang đến cơ hội thu được lợi nhuận cao mà còn tiềm ẩn những rủi ro đáng kể. Kết hợp với một số nhược điểm của bán khống mà chúng ta sẽ tìm hiểu dưới đây, có thể thấy, đây là một hoạt động không thể xem nhẹ.
Bài viết này sẽ giới thiệu về bán khống, đưa ra những ưu và nhược điểm, lý do bạn nên trải nghiệm và những điều bạn cần biết về bán khống.
Bán khống hoạt động như thế nào?
Khi tiến hành bán khống, bạn sẽ đưa ra dự đoán về sự sụt giảm của giá cổ phiếu. Bán khống là hoạt động phù hợp với những người tham gia thị trường dày dạn kinh nghiệm.
Để mở một vị thế bán khống, trước tiên chúng ta sẽ vay cổ phiếu hoặc các tài sản khác được dự đoán giảm giá. Sau đó, cổ phiếu đi vay sẽ được người bán chuyển nhượng cho người sẵn sàng trả theo mức giá thị trường.
Bước tiếp theo là đợi cổ phiếu hạ giá để nhà đầu tư có thể mua tài sản với mức giá thấp hơn và trả lại người cho vay. Vấn đề chính ở đây là giá có thể không giảm mà sẽ tăng. Do đó, rủi ro tiềm ẩn của hoạt động này hầu như không giới hạn.
Rủi ro của hoạt động bán khống?
Ngược lại với bán khống là giao dịch mua nắm giữ (long selling). Khi bạn mở lệnh mua – giao dịch cổ phiếu mà bạn sở hữu – trong trường hợp thất bại, bạn sẽ chỉ mất số tiền đã đầu tư. Như vậy, nếu bạn mua một cổ phiếu với giá 100$, số tiền tối đa bạn có thể mất là 100$. Lý do là bởi cổ phiếu không thể giảm dưới mức 0$.
Bán khống xuất hiện khi có một bước ngoặt lớn. Về lý thuyết, khi bán khống, số tiền bạn có thể mất trong trường hợp thất bại là không giới hạn, vì giá cổ phiếu có khả năng tăng vọt.
Hãy quay lại ví dụ trên: với một cổ phiếu trị giá 100$, nếu giá tăng lên mức 300$ trước khi bạn thoát lệnh, bạn sẽ phải chịu khoản lỗ 200$ cho mỗi cổ phiếu.
Một rủi ro khác mà người bán khống có thể gặp phải là tình trạng bán non hay ép mua (short squeeze). Đây là hiện tượng cổ phiếu bán khống tăng giá đột ngột. Quá trình này thúc đẩy những người bán khống mua lại cổ phiếu để đóng giao dịch khi giá tăng đến mức cực đỉnh và các nhà đầu tư tìm cách hạn chế thua lỗ.
Như nhận định ở trên, hoạt động bán khống chỉ có hiệu quả nếu bạn là một nhà đầu tư dày dạn kinh nghiệm và sẵn sàng đối mặt với những rủi ro tài chính lớn. Nếu điều kiện này không phù hợp với bạn, hãy thử những hình thức giao dịch ít rủi ro hơn.
Giải pháp thay thế cho bán khống với rủi ro thấp hơn
Mua một quyền chọn bán trên cùng một cổ phiếu là giải pháp thay thế cho hoạt động bán khống nhằm hạn chế rủi ro sụt giá. Khi sở hữu quyền chọn bán, bạn có thể bán cổ phiếu ở một mức giá xác định, được gọi là giá thực thi (strike price). Nếu giá cổ phiếu tăng lên, khoản lỗ của bạn sẽ được giới hạn ở số tiền bạn đã trả cho quyền chọn bán (phí quyền chọn).
Phí quyền chọn hay phí premium phụ thuộc vào giá thực thi và ngày tới hạn của quyền chọn. Giá thực thi càng cao và ngày tới hạn càng xa thì phí quyền chọn càng lớn.
Hãy xem ví dụ: một cổ phiếu giao dịch ở mức 100$ vào ngày 10/04/2023. Quyền chọn bán với giá 15$/cổ phiếu có giá thực thi là 100$, sẽ hết hạn sau hai tuần vào ngày 24/04/2023. Như vậy, nếu giá cổ phiếu vượt quá 100$, khoản lỗ sẽ được giới hạn ở mức 15$/cổ phiếu (cộng với tiền hoa hồng).
Cách bán khống tạo ra lợi nhuận?
Trái ngược với những rủi ro tiềm ẩn, bán khống cũng đem lại những cơ hội kiếm lời. Khi bạn rao bán cổ phiếu với kỳ vọng giá sẽ giảm và dự đoán của bạn là chính xác, bạn mua lại cổ phiếu với mức giá thấp hơn, tạo ra chênh lệch giữa giá bán và giá mua. Khoản chênh lệch này chính là lợi nhuận của bạn. Chênh lệch càng lớn, số tiền bạn kiếm được càng cao.
Đây là một ví dụ đơn giản về bán khống: giả sử có một cổ phiếu được giao dịch ở mức 50$/cổ phiếu. Bạn mượn 100 cổ phiếu và bán ra với mức giá 5.000$. Sau đó, giá dịch chuyển theo hướng giảm như dự đoán. Để dễ tính, giả sử giá cổ phiếu giảm xuống còn 25$. Khi điều này xảy ra, bạn sẽ mua 100 cổ phiếu để thay thế cho số lượng đã vay. Lợi nhuận của bạn trong trường hợp này là 2.500$.
Tuy nhiên, còn một số điểm khác bạn cần lưu ý về bán khống đó là các chi phí liên quan.
Bán khống có liên quan đến chi phí?
Câu trả lời là có. Khi bạn có kế hoạch bán khống, bạn cần xem xét các chi phí sau:
- Lãi ký quỹ
Bạn không thể bắt đầu bán khống nếu không có tài khoản ký quỹ. Do đó, người bán khống phải trả lãi cho số tiền đã vay.
- Chi phí vay cổ phiếu
Có khả năng bạn sẽ không thể vay cổ phiếu của một số công ty do mức lãi suất ngắn hạn cao hoặc số lượng cổ phiếu lưu hành có hạn. Việc vay những cổ phiếu này đòi hỏi một khoản phí cao. Loại phí này được tính dựa trên tỷ lệ thường niên; mức phí có thể khá cao và tỷ lệ với số lượng giao dịch bán khống được mở.
- Cổ tức và các khoản thanh toán khác
Cuối cùng, người bán khống cần có trách nhiệm thanh toán cổ tức cho lượng cổ phiếu bị bán khống cộng với các khoản thanh toán cho những sự kiện khác của công ty liên quan đến cổ phiếu bán khống, bao gồm hoạt động phân chia (split-off) và thoái vốn (spin-off).
Ưu và nhược điểm của bán khống
Các nhà giao dịch trên thị trường chuyển sang bán khống vì những lý do sau:
- Bán khống tạo cơ hội thắng lớn.
- Chiến lược này đòi hỏi số vốn ban đầu tương đối nhỏ.
- Bán khống có thể thực hiện với khoản đầu tư có đòn bẩy.
- Nhà đầu tư có thể phòng ngừa rủi ro đối với các khoản nắm giữ khác.
Mặt khác, bán khống tiềm ẩn một số nhược điểm nhất định:
- Nếu thất bại trong việc bán khống, bạn có thể sẽ phải gánh một khoản lỗ không giới hạn.
- Bạn không thể bán khống nếu không sở hữu tài khoản ký quỹ.
- Bán khống bao gồm cả hoạt động trả lãi ký quỹ.
- Bán non có thể đẩy bạn vào cảnh nợ nần chồng chất.
Kết luận
Các nhà đầu tư và nhà giao dịch coi bán khống là một cách để kiếm lợi nhuận trong thị trường giá giảm thông qua việc vay cổ phiếu, bán ra với giá thị trường và sau đó mua lại với mức giá thấp hơn trong tương lai. Tất nhiên, phương pháp này chỉ hiệu quả trong trường hợp dự báo giá giảm thực sự xảy ra.
Một số người chỉ trích bán khống là hoạt động đặt cược chống lại thị trường, nhưng mặt khác, nhiều người có xu hướng coi việc bán khống là một động lực ổn định giúp thị trường hoạt động hiệu quả hơn.
Bán khống thực sự có thể mang lại lợi nhuận đáng kể. Tuy nhiên, hoạt động này đi kèm với những rủi ro nghiêm trọng liên quan đến tổn thất tài chính không giới hạn trong trường hợp dự báo sai. Một yếu tố khác cần cân nhắc đó là các chi phí liên quan như lãi suất ký quỹ và chi phí vay cổ phiếu; những chi phí này sẽ làm tăng tính phức tạp của hoạt động bán khống.