8 Chỉ báo phổ biến hàng đầu dành cho Giao dịch Scalping
Chúng ta thường khó có thể dự đoán chính xác hướng di chuyển tiếp theo của giá do có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến thị trường tài chính. Nhiều nhà giao dịch phải chấp nhận mất số tiền vất vả kiếm được do những biến động giá bất ngờ. Một số khác lựa chọn chuyển sang các khung thời gian nhỏ hơn và giao dịch scalping để giảm thiểu rủi ro từ những biến động giá lớn.
Trong bài viết này, bạn sẽ được tìm hiểu về khái niệm giao dịch scalping, các chỉ báo được sử dụng và cách áp dụng các chỉ báo này trong chiến lược giao dịch lướt sóng.
Scalping là gì?
Scalping hay lướt sóng là một chiến lược giao dịch trong ngày ngắn hạn liên quan đến việc kiếm lợi nhuận từ những thay đổi giá rất nhỏ. Các nhà giao dịch sử dụng chiến lược này được gọi là các scalper và mục tiêu chính của họ là kiếm tiền từ nhiều giao dịch thắng nhỏ thay vì chỉ dựa vào một vài giao dịch lớn dài hạn. Mỗi giao dịch sẽ kéo dài từ vài giây đến một giờ và số lượng giao dịch mà scalper thực hiện trong vòng một ngày có thể dao động từ 10 đến vài trăm lệnh, tùy thuộc vào việc họ khớp lệnh thủ công hay sử dụng phần mềm giao dịch tự động.
Điểm chính thu hút các nhà giao dịch đến với chiến lược này là do việc nắm bắt và kiếm lợi nhuận từ các biến động giá nhỏ sẽ dễ dàng hơn nhiều so với những biến động giá lớn. Những thay đổi nhỏ về giá xảy ra thường xuyên hơn và vì mỗi giao dịch chỉ kéo dài trong một thời gian ngắn, nên rủi ro xuất hiện những sự kiện bất lợi có thể dẫn đến những biến động giá không mong muốn sẽ xảy ra ít hơn.
Cách thức hoạt động của Scalping?
Mặc dù scalping được coi là ít rủi ro hơn so với các chiến lược giao dịch dài hạn, nhưng chiến lược này chỉ hoạt động hiệu quả nếu nhà giao dịch có một kế hoạch giao dịch vững chắc và tính kỷ luật nghiêm ngặt, vì vậy, hình thức giao dịch này phù hợp hơn cho các nhà giao dịch dày dặn kinh nghiệm.
Trước khi tham gia giao dịch, các scalper phải xác định điểm vào lệnh, mục tiêu lợi nhuận và mức lãi & lỗ. Sau khi thiết lập, việc bám sát kế hoạch này là rất quan trọng. Các scalper cần thoát khỏi giao dịch nếu giá đạt đến mục tiêu lợi nhuận, ngay cả khi giá có cơ hội tăng cao hơn nữa. Tương tự, nếu giá chạm tới mức lãi & lỗ, nhà giao dịch cần thoát lệnh mà không đợi giá tăng trở lại. Phương pháp này giúp giảm thiểu rủi ro ảnh hưởng từ các động thái thị trường bất ngờ và không mong muốn, đồng thời đảm bảo hoạt động scalping có mức rủi ro thấp hơn so với các chiến lược giao dịch khác.
Để lập kế hoạch giao dịch thành công, các scalper cần nắm bắt xu hướng dịch chuyển tiếp theo của thị trường, theo đó, họ cần sử dụng nhiều chỉ báo phân tích kỹ thuật, nghiên cứu các biểu đồ giá ngắn hạn (1-5 phút), hiểu tâm lý của các nhà giao dịch và những động thái tiếp theo dựa trên điều kiện thị trường hiện tại.
Ưu và nhược điểm của scalping
Giống như các phong cách giao dịch khác, scalping có những ưu điểm giúp cho chiến lược này trở nên hấp dẫn trong mắt các nhà giao dịch bên cạnh các nhược điểm nhất định mà nhà giao dịch cần cân nhắc khi lựa chọn theo đuổi.
Những lợi thế của giao dịch scalping bao gồm:
- Rủi ro thấp. Scalper kiếm lợi nhuận từ những biến động giá nhỏ diễn ra trong một khung thời gian tối thiểu. Ngay cả khi giá di chuyển ngược chiều với nhà giao dịch, thì tài sản cũng không có đủ thời gian để vượt ra ngoài mức lãi & lỗ đã định trước, điều này giúp thiết lập giới hạn cho các khoản lỗ mà nhà giao dịch có thể gánh chịu.
- Tiềm năng sinh lời. Nếu các scalper bám sát kế hoạch giao dịch chi tiết của mình và giao dịch cùng lúc một khối lượng tài sản lớn, họ có thể kiếm được lợi nhuận cao vào cuối ngày.
- Không cần tuân theo các nguyên tắc cơ bản. Giao dịch cơ bản bao gồm việc theo dõi tin tức, sự kiện và báo cáo thống kê kinh tế có ảnh hưởng đến giá trị của tài sản để xác định thời điểm mua hoặc bán tài sản tốt nhất. Tuy nhiên, vì các scalper kiếm lợi nhuận từ những biến động giá nhỏ nên họ không cần tuân theo các nguyên tắc cơ bản vì những yếu tố này không ảnh hưởng nhiều đến các khung thời gian ngắn hạn.
- Hoạt động theo cả hai hướng. Scalping cho phép giao dịch trên cả thị trường giá lên và giá xuống, vì vậy các scalper sẽ có nhiều cơ hội kiếm lợi nhuận hơn từ những thay đổi giá.
- Khả năng tự động hóa. Scalping yêu cầu độ chính xác cao và thời gian chuẩn xác vì ngay cả một giây chậm trễ cũng có thể ảnh hưởng đến quá trình giao dịch của bạn. May mắn thay, bạn có thể sử dụng phần mềm giao dịch tự động để đặt lệnh ngay khi giá chạm đến mục tiêu và khai thác tối đa mỗi giao dịch.
Như đã nêu ở trên, phương thức này có những nhược điểm nhất định mà các nhà giao dịch cần cân nhắc trước khi quyết định tích hợp chiến lược.
- Đòi hỏi nhiều kinh nghiệm và thời gian. Mặc dù scalping có vẻ dễ dàng, nhưng đây vẫn là một chiến lược giao dịch tiên tiến đòi hỏi hiểu biết tốt về thị trường và cách thức thị trường vận động. Những nhà giao dịch mới có thể cảm thấy khó khăn khi phải tuân theo một kế hoạch giao dịch nghiêm ngặt và đòi hỏi theo kịp nhiều giao dịch hàng giờ mỗi ngày. Trái lại, các nhà giao dịch giàu kinh nghiệm thường có kỷ luật tốt hơn, nhiều trải nghiệm hơn và trường vốn hơn để theo kịp chuyển động liên tục của thị trường.
- Chi phí giao dịch. Giống như các nhà giao dịch khác, scalper phải trả tiền hoa hồng hoặc chênh lệch cho mỗi lần khớp lệnh giao dịch. Vì các scalper cần khớp nhiều lệnh hơn so với các nhà giao dịch khác nên chi phí có thể tăng cao và ăn mòn lợi nhuận mà họ kiếm được từ các giao dịch này.
- Vấn đề kỹ thuật. Như chúng tôi đã đề cập, ngay cả một giây chậm trễ cũng có thể ảnh hưởng đến kết quả của một giao dịch. Tuy nhiên, không phải tất cả sự chậm trễ này đều đến từ lỗi của nhà giao dịch. Kết nối Internet kém, các sự cố về nền tảng, v.v., có thể gây ra sự trượt giá và chậm trễ khi khớp lệnh, biến một giao dịch hứa hẹn trở thành sự thất bại. Rủi ro này có thể được giảm thiểu bằng cách sử dụng phần mềm giao dịch tự động và VPS, tuy nhiên, những nhà giao dịch không có quyền truy cập vào các công cụ này cần thận trọng khi giao dịch scalping.
Tám chỉ báo scalping được sử dụng phổ biến nhất
Mặc dù các scalper có thể không cần nắm bắt chuyển động dài hạn về xu hướng thị trường, nhưng họ cần hiểu rõ mục tiêu của chuyển động về giá để đưa ra quyết định sáng suốt. Đây là lúc các chỉ báo phân tích kỹ thuật trở nên hữu ích, vì các scalper có thể sử dụng các công cụ này để dự đoán biến động giá trong tương lai. Và bây giờ, chúng ta sẽ xem xét tám chỉ báo scalping được sử dụng phổ biến nhất.
1. Chỉ báo SMA
Chỉ báo Đường trung bình động giản đơn (SMA) là một trong những công cụ cơ bản mà các nhà giao dịch lướt sóng sử dụng để xác định xu hướng và xây dựng chiến lược giao dịch. Chỉ báo này cung cấp thông tin giá trung bình của một tài sản cụ thể bằng cách lấy tổng mức giá đóng cửa của một khoảng thời gian chia cho tổng số kỳ trong khoảng thời gian đó. Điều này giúp các scalper xác định được chuyển động tăng hoặc giảm của giá tài sản và khả năng đảo chiều xu hướng hiện tại.
2. Đường trung bình động hàm mũ (EMA)
EMA là một chỉ báo phát triển của đường trung bình động. Tương tự như SMA, chỉ báo này giúp phân tích giá của một tài sản. Tuy nhiên, chỉ báo EMA tập trung vào mức giá gần nhất và có thể cung cấp thông tin chi tiết hơn cho các scalper. Nhà giao dịch sử dụng EMA để xác định xu hướng hiện tại và các điểm vào lệnh tiềm năng. Nếu giá vượt lên trên hoặc giảm xuống dưới đường EMA, đây có thể là các tín hiệu cho thấy cơ hội mua hoặc bán tiềm năng.
3. Chỉ báo MACD
Chỉ báo tiếp theo trong danh sách là Đường trung bình động hội tụ phân kỳ (MACD). Đây là một chỉ báo xu hướng phản ánh mối quan hệ giữa hai đường trung bình động. Dịch chuyển tiếp theo của hai đường khi chúng trùng nhau, hội tụ hoặc phân kỳ sẽ cho biết động lượng hiện tại, mang lại tín hiệu mua hoặc bán cho các nhà giao dịch. Nhà giao dịch sử dụng chỉ báo này để tìm kiếm các điểm vào hoặc thoát lệnh tiềm năng đồng thời xác định những thay đổi xu hướng.
4. Parabolic SAR
Chỉ báo Parabolic SAR (Parabolic Stop And Reverse) thường được các nhà giao dịch sử dụng để xác định thông tin chi tiết về xu hướng hành động giá. Parabolic SAR xuất hiện trên biểu đồ dưới dạng các dấu chấm nằm bên trên hoặc phía dưới giá. Nếu các chấm xuất hiện bên dưới, giá sẽ tăng và ngược lại. Khi các dấu chấm thay đổi vị trí, nhà giao dịch sẽ kỳ vọng khả năng đảo chiều xu hướng. Chỉ báo này đặc biệt hữu ích cho các nhà đầu tư lướt sóng vì có thể giúp xác định động lượng ngắn hạn của biến động giá.
5. Stochastic Oscillator
Chỉ báo phân tích kỹ thuật tiếp theo được các scalper sử dụng là Chỉ báo Dao động ngẫu nhiên (Stochastic Oscillator). Đây là một chỉ báo động lượng giúp so sánh mức giá đóng cửa của một tài sản với phạm vi giá của tài sản đó trong một khoảng thời gian nhất định. Nhờ vậy, chỉ báo có thể xác định các điều kiện thị trường quá mua hoặc quá bán từ đó báo hiệu khả năng đảo chiều xu hướng.
6. Giá trung bình có trọng số theo khối lượng giao dịch (VWAP)
Giá trung bình có trọng số theo khối lượng giao dịch (VWAP) là một công cụ phân tích kỹ thuật giúp các nhà giao dịch xác định tính thanh khoản của một tài sản đồng thời đưa ra các mức hỗ trợ và kháng cự. Sử dụng VWAP để tính giá trung bình của một tài sản theo khối lượng đã mua trong một khoảng thời gian nhất định. Chỉ báo này hoạt động tốt nhất trên các giao dịch ngắn hạn, do đó, công cụ này chủ yếu được sử dụng trong các chiến lược scalping và giao dịch trong ngày.
Tốt hơn, bạn nên tuân thủ các chiến lược giao dịch khối lượng thông qua những dịch vụ cung cấp dữ liệu khối lượng tổng hợp. Hình bên dưới sẽ minh hoạ chỉ báo VWAP trên trang Trading View.
7. Dải Bollinger
Dải Bollinger là một chỉ báo scalping bao gồm ba đường: đường trung bình động (dải giữa) và hai độ lệch chuẩn của giá (dải trên và dải dưới). Chỉ báo này có thể giúp các nhà giao dịch xác định mức quá mua và quá bán, đồng thời dự báo xu hướng và khả năng đảo chiều tiềm năng, tuy nhiên, các scalper chủ yếu sử dụng chỉ báo này để tìm điểm vào lệnh và đo lường sự biến động. Khi giá chạm đến dải trên hoặc dải dưới, đây có thể là tín hiệu cho thấy khả năng đảo chiều hoặc tiếp tục xu hướng.
8. Chỉ số Sức mạnh tương đối (RSI)
Chỉ báo sức mạnh tương đối (RSI) là một chỉ báo dao động giúp xác định sức mạnh của hành động giá bằng cách đo lường biến động giá và tốc độ diễn ra. Scalper sẽ sử dụng chỉ báo này để xác định mức quá mua và quá bán tiềm năng, từ đó báo hiệu khả năng đảo chiều xu hướng.
Chiến lược giao dịch scalping hàng đầu
Để thành thạo scalping, bạn cần phát triển một chiến lược giao dịch đáng tin cậy có thể giúp bạn thu được lợi nhuận tối đa từ các giao dịch của mình. Dưới đây là ba chiến lược giao dịch scalping được các scalper trên toàn cầu ưu chuộng:
Chiến lược Dải Trung bình động
Chiến lược scalping này liên quan đến việc sử dụng một số đường EMA trên các khung thời gian khác nhau. Ví dụ, các nhà giao dịch lướt sóng thường sử dụng 10 EMA, 20 EMA, 50 EMA và 100 EMA. Sau đó, các EMA sẽ được vẽ trên biểu đồ theo hình dải băng, chạy song song. Dải băng này có thể được sử dụng để xác định chiều và động lượng của xu hướng. Dải băng "mượt" biểu thị một xu hướng mạnh, theo đó, scalper có thể mở một vị thế mua hoặc bán.
Điểm cắt lỗ phải được đặt ngay dưới mức swing đáy cuối cùng (đối với giao dịch mua) hoặc trên mức swing đỉnh trước đó (đối với giao dịch bán). Một khi giá chạm lại đường 200 EMA, đã đến lúc đóng giao dịch và chốt lời.
Chiến lược Dải Bollinger
Chiến lược này dựa trên việc sử dụng chỉ báo Dải Bollinger. Như chúng ta đã biết, chỉ báo này bao gồm ba đường: hai độ lệch chuẩn và một đường SMA ở giữa. Nếu giá vượt qua một trong các dải trên/dưới, điều đó báo hiệu rằng có khả năng sẽ xuất hiện đảo chiều hoặc tiếp tục xu hướng.
Điểm cắt lỗ phải được đặt ngay dưới mức swing đáy cuối cùng (đối với giao dịch mua) hoặc trên mức swing đỉnh trước đó (đối với giao dịch bán). Scalper có thể tham gia giao dịch khi giá vượt qua một trong các dải trên/dưới và thoát khỏi giao dịch khi giá quay trở lại đường SMA.
Chiến lược MACD kết hợp với EMA
Trong chiến lược này, các nhà giao dịch lướt sóng sẽ sử dụng chỉ báo MACD và EMA (ví dụ, 200 EMA) để xác định chiều và động lượng của xu hướng. Nếu đường MACD vượt lên trên mức 0 trong khi đường EMA nằm dưới mức giá, đây là tín hiệu mua tiềm năng. Ngược lại, nếu đường MACD giảm xuống dưới mức 0 với đường EMA nằm cao hơn mức giá, nhà giao dịch nên chuẩn bị mở một vị thế bán. Khi chỉ báo MACD trượt xuống dưới đường tín hiệu, đã đến lúc thoát khỏi giao dịch.
Kết luận
Scalping đòi hỏi sự kiên nhẫn cao, tính kỷ luật và thời gian từ nhà giao dịch. Nếu muốn bắt đầu giao dịch scalping, bạn cần có khả năng đưa ra quyết định nhanh chóng và vận dụng nhuần nhuyễn các chỉ báo khác nhau. Với chiến lược và tư duy đúng đắn, bạn có thể trở thành một nhà giao dịch lướt sóng thành công và kiếm được lợi nhuận đáng kể từ những tài sản có tính thanh khoản cao nhất.